|
Hình Internet |
Năm Phúc Âm hóa gia đình mời gọi mỗi chúng
ta thánh hóa bản thân qua mối tương quan với gia đình trong đời sống đức tin
thường ngày. Mỗi người với vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình,
chúng ta thực hiện việc canh tân con người hiện tại để đón nhận ơn Chúa, để đời
sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm; nhờ đó, gia đình chúng ta trở
nên “Hội Thánh tại gia” đích thực, tham gia vào sứ vụ chung của Giáo hội.
Với mục tiêu dẫn dắt mọi người vào cuộc gặp
gỡ cá vị với Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thần, để đến với Chúa Cha,
Năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình như là cơ hội thuận tiện để mỗi chúng ta làm mới lại mái ấm gia đình mình, hàn gắn lại
những rạn nứt trong mối tương quan gia đình, điều chỉnh lại những lệch lạc
khiếm khuyết trong cuộc sống, trở nên một cộng đồng tin và loan báo Tin Mừng,
đối thoại với Thiên Chúa và phục vụ con người.
Để đạt được mục tiêu trên, trước tiên chúng
ta được mời gọi xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, giúp
nhau phụng thờ Thiên Chúa, sống đức tin giữa những thách đố cuộc đời, biến cuộc
sống gia đình mình thành lời kinh sống động, và trở thành những của lễ dâng lên
Thiên Chúa, qua những vui buồn sướng khổ, hy vọng và âu lo của cuộc sống gia
đình. “Đó là điều phát xuất không những
do việc cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, cũng như do việc hiến dâng chính
mình cho vinh quang Thiên Chúa, mà còn do đời sống cầu nguyện, do việc đối
thoại nguyện cầu với Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, và trong Thánh Thần.”
Trong cuộc lữ hành đức tin và trong hành
trình xây dựng gia đình hạnh phúc, cầu nguyện là sự sống còn của gia đình Công
giáo. Nếu như cầu nguyện là hơi thở, là hoạt động
căn bản của đời sống người Kitô hữu, thì cầu nguyện chính là hơi thở của đời
sống gia đình. Nhờ cầu nguyện, người Kitô hữu xây được nền móng vững vàng chắc
chắn cho việc tạo dựng ngôi nhà hạnh phúc của mình. Vắng bóng cầu nguyện, gia
đình không còn phải là gia đình Kitô hữu đích thực giữa cuộc đời. Cầu
nguyện vừa để củng cố đức tin, vừa để làm cho đức tin được lớn lên trổ sinh hoa
trái tốt lành, và được kiên vững giữa những thách đố thời đại. Chúa Giêsu khẳng
định rằng: “Không có Thầy, anh em chẳng
làm gì được.”
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong nhịp sống của gia
đình Công giáo.
Tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời sống
gia đình.
Bất kể
tôn giáo nào, cầu nguyện được coi là yếu tố sống còn và là sinh hoạt căn bản
của đời sống tâm linh trong tôn giáo. Nếu như cá cần nước để sống, cây cối cần
ánh sáng mặt trời để quang hợp và sinh trưởng, thì cầu nguyện cũng cần thiết cho
đời sống người Kitô hữu như vậy. Vì là hơi thở của gia đình, nên cầu nguyện
không thể tách rời khỏi đời sống chúng ta, chỉ khi cầu nguyện ta mới lãnh nhận được
sức sống vĩnh cửu từ Thiên Chúa. Cầu nguyện để nói lên một sự thật là ta thuộc
về Chúa, Chúa thuộc về ta. Bởi lẽ, “Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương quan
giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Chúa Kitô.”
Như vậy, bản chất của việc cầu nguyện chính
là giao ước tình yêu. Một tình yêu sâu đậm, trong đó, Thiên Chúa và con người
thuộc về nhau. Đó là mối tương giao sống động, mật thiết và thân tình giữa cá nhân
mỗi người với Thiên Chúa. Mối tương giao chân thành của những người bạn thân,
mối tình yêu thương thuỷ chung của vợ - chồng, mối tương quan sống động của
nghĩa tình cha - con.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhấn mạnh đến
tầm quan trọng của việc gia đình cầu nguyện như sau:
“Gia
đình Kitô giáo là nơi đầu tiên để giáo dục việc cầu nguyện. Được xây dựng trên
bí tích Hôn Nhân, gia đình Kitô giáo là Giáo Hội tại gia, nơi con cái Chúa học
tập cầu nguyện như Giáo Hội và kiên trì trong việc cầu nguyện. Nhất là đối với
các trẻ nhỏ, lời cầu nguyện trong gia đình mỗi ngày sẽ là chứng nhân đầu tiên
của trí nhớ sống động của Giáo hội mà Chúa Thánh Thần hằng kiên trì khơi dậy.”
Vì lẽ đó, cầu nguyện có tầm quan trọng thiết yếu và có vai
trò đặc biệt trong đời sống Kitô hữu nói chung và với đời sống gia đình nói
riêng. Cầu nguyện giúp ta kết hiệp với Chúa và với nhau, tạo cho gia đình
một bầu khí yêu thương và thánh thiện, giúp chuẩn bị việc cử hành phụng vụ
ở nhà thờ và kéo dài phụng vụ ấy ngay trong đời sống gia đình, qua lời kinh gia
đình. Thông qua lời kinh gia đình, ta được hiệp thông với nhau, với Chúa Kitô. Nhờ
đó, nó giúp thực thi ơn gọi và sứ mạng tư tế, giúp ta xây dựng hạnh phúc gia
đình. Hơn nữa, cầu nguyện còn là cái móc neo con thuyền gia đình mong manh của
ta vào vòng tay yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa trong niềm niềm tin yêu
phó thác, nơi Đấng mà đối với Người “không
có gì là không thể làm được.”
Trước bao khủng hoảng
của cuộc sống hôm nay, nền đạo đức luân lý gia đình đang xuống cấp, các giá trị
truyền thống tốt đẹp của gia đình đang xói mòn dần, chủ nghĩa thưởng thụ duy
vật chất đã chi phối đời sống gia đình, không ít gia đình, kể cả những gia đình
Công giáo đang đối diện bên bờ vực thẳm của sự đổ vỡ, chia ly. Giữa một xã hội
phức tạp như thế, để kiến tạo một gia đình ấm êm, thuận hoà và hạnh phúc, người
Kitô hữu cần phải không ngừng cầu nguyện. Cầu nguyện để đón mời Chúa đến viếng
thăm và ở lại trong gia đình mình, để Người
soi sáng, hướng dẫn, đỡ nâng, ủi an và đồng hành với gia đình trong cuộc lữ
hành dương thế, để được an tâm và có quyết định sáng suốt, hầu có sức mạnh vượt
thắng những cám dỗ của thời đại.
Câu Ngạn ngữ của người Ba Lan khá quen
thuộc với chúng ta là: “Trước khi ra
trận, thì bạn cầu nguyện một lần, trước khi vượt biển thì cầu nguyện hai lần,
còn trước khi bước vào đời sống gia đình thì phải cầu nguyện ba lần.” Song
người viết còn nhấn mạnh rằng, bạn phải cầu nguyện luôn luôn và không ngừng sau
khi lập gia đình để bảo tồn hạnh phúc gia đình, “để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác
lại yếu hèn.”
Hôn nhân gia đình là việc rất quan trọng và huyền nhiệm, do Thiên Chúa
thiết lập và se định, nên cần cầu nguyện để xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, để
biết chọn lựa bạn đời hợp ý Chúa, đúng ý mình.
Nhờ cầu nguyện, bạn sẽ nhận được nhiều ơn
Chúa để chọn đúng và sống tốt đời Hôn nhân - Gia đình. Cầu nguyện để xin ơn Chúa nâng đỡ, để được an tâm, để có quyết định sáng
suốt, có sức mạnh vượt thắng những cám dỗ ngọt ngào của thời đại, để sáng suốt
giải quyết những “xung đột” trong đời sống gia đình. Cầu nguyện không
phải là sự chạy trốn trách nhiệm thường ngày, nhưng đó chính là sức đẩy mãnh
liệt đưa gia đình đến chỗ đảm nhận và chu toàn toàn bộ trách nhiệm làm tế bào
đầu tiên và căn bản của xã hội nhân loại.
Cầu nguyện trong gia đình chính là cách xây
dựng hạnh phúc gia đình hữu hiệu, vững bền nhất. Hạnh phúc vì “Chúa Giêsu ‘ở
giữa’ gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện”, nhờ đó, cùng
nhau nhận ra “những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong
cuộc sống gia đình”; và rồi cùng nhau lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Chúa
Giêsu: “Hỡi những ai vất vả, mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ
bổ sức cho các con.”
Hạnh phúc vì có Chúa chia sẻ mọi biến cố vui buồn. Có Chúa hiện hiện giữa như mối
dây nối kết tuyệt hảo, giúp gia đình lắng nghe nhau, hiểu nhau, thuỷ chung với
nhau, cùng nhau tiến bước, vượt qua mọi gian nan thử thách trong cuộc sống.
Đức
Thánh Cha Phanxicô trong dịp kết thúc Ngày Gia Đình Năm Đức Tin, Chúa Nhật
27/10/2013 đã nhắn nhủ: “Mọi gia đình đều
cần đến Chúa! Mọi người đều cần đến Chúa! Chúng ta cần được Chúa ban ơn trợ
giúp, ban sức mạnh, ban phúc lành, ban lòng thương xót, ban ơn tha thứ. Và cũng
phải đơn sơ cầu nguyện trong gia đình! Cùng nhau lần chuỗi Mân Côi trong gia
đình! Rồi người nọ cầu nguyện cho người kia: chồng cầu nguyện cho vợ, vợ cầu
nguyện cho chồng, cả hai vợ chồng cầu nguyện cho con cái, con cái cầu nguyện
cho cha mẹ, ông bà. Mọi người cầu nguyện cho nhau, và cầu nguyện sẽ củng cố đời
sống gia đình”.
Phương thức cầu nguyện trong gia đình
Phải chân nhận rằng, gia
đình xưa, nay là cái nôi tổ ấm cho con người về đời sống thể chất cũng như tinh
thần đạo giáo. Và cũng từ thửa đất gia đình, đức tin Kitô giáo được gieo trồng,
vun xới, lớn lên và đơm bông kết trái.
Được như thế là nhờ việc các gia đình thực hành và duy trình những việc đạo đức
truyền thống tốt đẹp thông qua giờ kinh gia đình, hay còn gọi là kinh nguyện
gia đình. Quả thế, kinh nguyện gia đình là phương thế hữu hiệu của việc giáo dục và thông
truyền đức tin cho con cái, là chất keo kết nối hạnh phúc gia đình.
Thế nhưng, giữa một xã hội được coi là khoa
học kỹ thuật và công nghệ thông tin hôm nay, phương thế này dường như đang bị
các gia đình Công giáo lãng quên, thay vào đó là những phương thế giải trí,
phim ảnh, truyền hình, vi tính, internet, game, điện thoại, những cuộc vui chơi
bên ngoài gia đình…Và hậu quả của nó thì chúng ta cũng đã biết: nền đạo lý luân
thường bị đảo ngược, những giá trị đạo đức truyền thống bị thay thế bởi chủ
nghĩa vô thần và duy vật; con người sống ích kỷ, vô cảm, mất ý thức về tội lỗi,
cố tình gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời này. Điều đó Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI cũng quả quyết: “Sự chối bỏ Thiên Chúa làm băng hoại con người, khiến
con người không còn mẫu mực nữa, và dẫn họ đến bạo lực.”
Một xã hội không tôn giáo, không Thiên
Chúa, lấy con người làm trung tâm và lấy vật chất làm thước đo, được xem như là
một xã hội khủng hoảng trầm trọng về đạo đức, suy thoái luân lý, nền tảng gia
đình bị lung lay và đổ vỡ, nhân loại đang trên bờ vực thẳm. Để khắc phục những
tình trạng trên, để có thể điều trị căn thời đại, thiết tưởng, trước hết chúng ta
cần phải củng cố đời sống đức tin trong gia đình, và xây dựng gia đình hạnh
phúc trong tình yêu của Chúa, thông qua việc tái lập và duy tri giờ kinh trong
gia đình. Từ việc kín múc nguồn mạch ân thiêng qua kinh nguyện gia đình, chúng
ta sẽ củng cố đức tin, lấy lại những truyền thống đạo đức vốn có trong con
người, tuân theo những giá trị luân lý đã được Thiên Chúa khắc ghi nơi lòng mỗi
người. Nhờ đó chúng ta phục hồi và cứu vãn tình thế xã hội hôm nay, bởi vì“Tương
lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình.”
Muốn được như thế, gia đình Kitô phải là
một gia đình cầu nguyện, gia đình phải để Thiên Chúa chiếm vị trí tối thượng
tuyệt đối trong bậc thang các giá trị, vì gia đình được dựng xây và phát xuất
từ gia đình yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên ta được mời gọi: “Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh
em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.”
Nếu Thiên Chúa không chiếm địa vị độc tôn tối thượng, thì mọi trật tự sẽ đảo
lộn “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên
Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.”
Có Chúa, gia đình sẽ là một gia đình cầu nguyện.
Khi đó, cầu nguyện chính là hơi thở của gia
đình. Nhưng để việc cầu nguyện trở nên hơi thở của gia đình, hầu nuôi dưỡng đời
sống đức tin cho mọi thành viên trong gia đình, chúng ta được mời gọi thực thi ba
phương thức cầu nguyện sau đây: cầu nguyện riêng tư, cá nhân, cầu nguyện chung
trong gia đình, và cầu nguyện trong cộng đoàn.
Cầu nguyện riêng tư cá nhân:
Nếu như đức tin là một hành vi cá nhân dẫn
đưa ta vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và Giáo qua việc đáp lại cách tự
nguyện của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa,
thì việc cầu nguyện cá nhân chính là sự gặp gỡ, đối thoại thân mật với Thiên
Chúa, là phương thế kiến tạo sự hiệp thông đích thực, sâu xa với Chúa và làm
nền móng cho mối hiệp thông đích thực giữa con người với nhau.
Cầu nguyện riêng là cách thế đơn giản và dễ
dàng nhất, vì ta có thể thực hiện bất cứ lúc nào mình muốn. Cầu nguyện riêng
không phụ thuộc vào không gian thời gian, cũng không cần phải theo “công thức”
thứ tự gì cả. Đó là những tâm tình đơn sơ, sâu kín và riêng tư của mỗi người
dâng lên Chúa khi vui, lúc buồn, khi thành công hay lúc thất bại… Tất cả được
gói ghém trong lời kinh dâng lên Chúa, như một lời tâm sự, giải bày, như là tâm
tình của một người con thưa chuyện với cha mẹ mình, hoặc như hai người bạn hàn
huyên tâm sự với nhau.
Cầu nguyện riêng còn được thể hiện qua sự
kết hiệp với Chúa trong cuộc sống thường ngày, khi ta làm việc, học hành, nghỉ
ngơi… Đó là cũng là điều mà thánh Phaolô khuyên bảo chúng ta: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh
em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.”
Cụ thể trong cuộc sống, khi vừa thức dậy,
chúng ta dâng ngày cho Chúa, tạ ơn vì một đêm bình an trong ân sủng của Chúa, cảm
tạ Chúa đã cho ta sống thêm một ngày mới như dấu chỉ tình yêu Chúa dành cho ta.
Trong ngày sống, chúng ta kết hợp với Chúa qua mọi sinh hoạt đời thường, nhớ
đến Chúa trong mọi thời khắc, dùng những lời nguyện tắt lặp đi lặp lại nhiều
lần trong ngày như: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa.” Khi đêm về, ta dâng lời
chúc tụng, tri ân Chúa vì một ngày trôi qua trong bình an của Chúa, dâng lên
Ngài tâm tình của đêm khuya, để cùng thức tỉnh với Người và được nghỉ ngơi yên
hàn trong sự quan phòng yêu thương của Chúa.
Cầu nguyện chung trong gia đình:
Cầu nguyện chung trong gia đình là một
trong những phương cách xây dựng gia đình an vui hạnh phúc trong tình yêu
thương. Giờ Kinh chung của gia đình chính là giờ các thành viên “ngồi bên nhau”
và “cùng nhau ngồi bên Chúa” là giờ của chân lý, là một khám phá kỳ diệu, là
một liều thuốc thần tiên. Giờ kinh chung có nội dung độc đáo là chính cuộc sống
của gia đình. Qua những tình huống thay đổi của cuộc sống, Thiên Chúa đang mời
gọi và gia đình đáp trả với lòng hiếu thảo.
Cầu nguyện chung trong gia đình cũng là
phương thế người Kitô hữu cùng nhau thực thi chức tư tế của gia đình,
là cách xây dựng sự sống, sự hiệp thông, tình yêu thương, sự liên đới gia đình
hữu hiệu nhất, trước những khó khăn, đau khổ, và trước cả cái chết nữa… Chính
vì vậy, trong những phút chia ly não lòng nhất, các thánh Tử đạo Việt Nam đã
trăn trối cho gia đình về việc cầu nguyện: “Hãy nhớ đọc kinh tối sáng, lần chuỗi
mân côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người Thánh giá riêng, các con hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và trung kiên giữ Đạo Thánh
Chúa.”
Vì lẽ đó, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng
định “Gia đình cùng nhau cầu nguyện là
gia đình cùng nhau chung sống. Các thành viên của mỗi gia đình, khi hướng mắt
nhìn lên Chúa Giêsu, cũng lấy lại được khả năng nhìn vào mắt của nhau, khả năng
nói chuyện với nhau, khả năng tha thứ cho nhau, và khả năng nhìn thấy giao ước
yêu thương của họ được canh tân trong Thần Linh Chúa.”
Quả thế, Thiên Chúa hiện diện giữa gia đình
khi cả nhà cầu kinh chung và cũng hiện diện cách thâm sâu trong tâm hồn mỗi
người vì chính nơi đó, Người chờ đợi mỗi người trở về gặp gỡ Người thật sâu xa.
Bởi đó, cầu nguyện chung và cầu nguyện riêng cần đi đôi với nhau. Nhờ cầu
nguyện chung, người ta sẽ quen cầu nguyện riêng; đồng thời mỗi người càng cầu
nguyện riêng, thì giờ kinh chung sẽ càng tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện trong gia đình còn là một phương
cách tối hảo để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng theo cung cách và ơn gọi mỗi
người. Hơn nữa, việc cầu nguyện chung trong gia đình còn tạo nên một bầu khí
yêu thương, thuận hòa, nâng đỡ, sẻ chia với nhau trong cuộc sống, quan tâm đến
những người chung quanh, cởi mở với mọi người, nhất là với người nghèo khổ. Khi
vợ chồng, cha mẹ con cái cùng nhau cầu nguyện thì nói lên mối liên kết, hiệp
thông, đồng tâm, đồng nguyện giữa những người thân trong gia đình. Khi vợ chồng
cha mẹ con cái cùng cầu nguyện cho nhau thì thể hiện tình yêu thương tinh thần
trách nhiệm và tình liên đới đối với nhau.
Trong giờ kinh chung của gia đình, mọi
người cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau. Các thành viên trong gia đình
càng cầu nguyện chung với nhau thì sự hiệp nhất càng bền chặt, vì cảm nhận được
sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu. Nhờ đó, gia đình Kitô hữu có thể áp dụng
được cho mình một cách đặc biệt những lời hứa của Chúa Giêsu: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp
lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở
đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
Song song với việc cầu nguyện với nhau,
trong giờ kinh chung gia đình, các thành viên cầu nguyện cho nhau. Mỗi
ngày, mỗi tuần, từng thành viên trong gia đình nhớ đến nhau, đích danh từng
người trước mặt Chúa, xin Chúa chúc lành cho nhau, dẫu đang còn đó những buồn
giận, cay đắng… Như thế, trong giờ kinh gia đình, các thành viên được mời gọi sống kinh nghiệm tươi sáng phấn
khởi của việc hoà giải, trong việc tái lập hiệp thông, tìm lại hiệp nhất. Cách
riêng, việc tham dự bí tích Hòa giải và Bàn tiệc Thánh Thể sẽ đem lại cho gia
đình Kitô hữu ơn sủng cần thiết, và tinh thần trách nhiệm tương xứng, để thắng vượt
mọi chia rẽ, bước tới sự hiệp thông đích thực, trọn vẹn...Như thế là đáp lại
ước mong nồng nàn của Chúa: "xin cho tất cả được nên một.
Nhờ đó mà các thành viên hoà
giải với nhau và với Chúa cách êm đẹp, thuận hoà hơn.
Kinh nghiệm
cho thấy, các gia đình bỏ giờ kinh, bỏ việc ăn cơm chung là dấu hiệu cho thấy
sự rạn nứt. Nhờ việc cầu nguyện chung trong gia đình, mỗi gia đình Công giáo chúng ta xây dựng gia đình
mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, nơi đó tràn ngập tình yêu Thiên Chúa và tình yêu thương nhau.
Đó là một cộng đoàn mà mọi người có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại với nhau.
Nơi đó, mỗi thành viên chịu đựng và tha thứ cho nhau, bắt nguồn từ sự quảng
đại, tha thứ, yêu thương của Chúa Giêsu.
Cầu nguyện trong cộng đoàn:
Cầu nguyện chung trong cộng đoàn là một
phần quan trọng trong sinh hoạt sống của Giáo hội thời sơ khai. Cùng với việc tôn
thờ, phụng sự Thiên Chúa, các tín hữu ân cần lắng nghe Lời Chúa, tham dự nghi
lễ bẻ bánh, cầu nguyện chung và hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ chân
thành. Đây là mô hình đầu tiên của việc cử hành thánh
lễ trong Giáo hội, nhưng đó cũng là mô hình các gia đình liên kết với nhau
trong giờ kinh của tổ liên gia. Mô hình này đang được tái lập và phát triển
mạnh mẽ ở các Giáo phận tại Việt Nam chúng ta, cách riêng ở ở các Giáo phận
trong Giáo tỉnh Hà Nội.
Trong hình thức cầu nguyện cộng đoàn này,
gia đình cầu nguyện với những gia đình khác, vào các ngày Chúa nhật, hoặc một
ngày khác trong tuần. Các gia đình ở gần nhau, trong cùng một khu vực, một xóm
hay một làng, cùng quy tụ lại với nhau tại một gia đình nào đó, luân phiên nhau
nay nhà này mai nhà khác, để cùng cầu nguyện chung với nhau hằng tuần. Nhờ vậy
các gia đình trở nên gần gũi nhau hơn, sự gắn bó và đoàn kết các gia đình trở
nên chặt chẽ hơn.
Nội dung kinh nguyện gia đình là chính cuộc
sống gia đình vì “vui mừng và cực nhọc, hy vọng và u buồn, ngày sinh và ngày kỷ
niệm chu niên, kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ, những chuyến xa nhà và trở về,
những chọn lựa quan trọng và quyết liệt, cái chết của những đều là những dấu
hiệu về sự hiện diện ưu ái của Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình; những biến
cố ấy cũng phải trở thành những lúc thuận tiện cho lời tạ ơn, khẩn nguyện, cho
sự tin tưởng phó thác của gia đình trong bàn tay Cha trên trời.”
Và cuối cùng việc cầu nguyện chung trong
cộng đoàn thể hiện cách cụ thể và sống động nhất là mọi gia đình cùng nhau quy
tụ về Thánh đường, Ngôi nhà chung của giáo xứ, họ đạo trong ngày Chúa Nhật, và
cả những ngày trong tuần. Nơi đây, mọi người cùng hiệp dâng Thánh Lễ, Chầu
Thánh Thể, đọc kinh chung, chia sẻ Lời Chúa, học hỏi giáo lý… Qua đó, gia đình
khích lệ nhau lãnh nhận các bí tích, hầu giúp nhau đạt tới ơn cứu độ.
Gia đình khích lệ nhau lãnh nhận các bí tích
Các bí
tích mà Chúa Kitô thiết lập và ban cho Giáo Hội cử hành là những phương thế hữu
hiệu giúp người Kitô hữu nên thánh trong ơn gọi và bậc sống của mình, nhờ cộng
nghiệp của Chúa Kitô.
Do đó, mọi Kitô hữu trong Giáo Hội đều được mời gọi năng lãnh nhận các bí tích
để đạt tới ơn cứu độ, đạt tới cùng đích tối hậu của cuộc đời. Các bí tích là
một trong những việc phụng vụ và cầu nguyện chính thức của Giáo Hội.
Trong đời sống gia đình, các bí tích thánh hoá tình yêu hôn nhân gia đình, ban nhiều ơn Chúa, giúp chu toàn trách nhiệm đối với
nhau. Bảy bí tích liên quan đến các giai đoạn quan trọng của đời sống
Kitô hữu: bí tích Thánh Tẩy sinh ra ta trong đời sống đức tin; bí tích Thánh
Thể, Thêm sức nuôi sống và làm cho ta lớn lên trong đời sống tin cậy mến; bí
tích Hòa giải và Xức dầu bệnh nhân chữa lành ta khỏi những tội lỗi, yếu đau; bí
tích Truyền chức, Hôn phối mời gọi ta lãnh nhận sứ mạng xây dựng cộng đoàn Giáo
Hội.
Cách riêng, bí tích Hôn phối tăng cường và cụ thể hoá sự hiệp thông mà bí
tích Thánh tẩy đã đem lại. Nhờ bí tích Hôn phối, đôi bạn được thông phần giao
ước tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh, như lời Thánh Phaolô: “Bởi thế, người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết
hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân xác. Mầu nhiệm này thật lớn lao, tôi
muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh.”
Như vậy, lòng trung thành và tình yêu, mà đôi bạn trao cho nhau trong giao ước
hôn nhân, cũng chính là lòng trung thành trong đức tin và đức mến, mà mỗi người
đã tuyên hứa khi chịu Thánh tẩy.
Như thế, nhờ lãnh nhận các bí tích, đời sống Kitô hữu, cá nhân cũng như
gia đình, được nuôi dưỡng và mỗi ngày một tăng trưởng hơn, giúp gia đình có sức
chu toàn trách nhiệm căn bản đối với nhau là cùng nhau xây dựng gia đình thành
cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống, hăng
say loan báo Tin Mừng.
Gia đình thánh hoá ngày Chúa nhật
Chúa nhật là
ngày của Chúa, ngày nền tảng và trung tâm của cả Năm phụng vụ. Ta được mời gọi dành riêng ngày này để nghỉ việc xác để
lấy lại thăng bằng trong cuộc sống, tập trung vào việc thờ phượng Thiên Chúa,
thực thi bác ái yêu thương đối với mọi người, nhất là những người nghèo khổ, bị
bỏ rơi trong xã hội, và cùng nhau xây dựng tình nghĩa gia đình. Đó chính là thánh
hoá ngày Chúa nhật. Thánh hoá ngày Chúa nhật là một điều răn của Chúa và của
Giáo hội.
Gia đình được
dành riêng cho ngày Chúa nhật như là “ngày của niềm vui và sự nghỉ ngơi”. Được
dành riêng không chỉ vì Chúa nhật như là một ngày rảnh, ngày nghỉ ngơi của toàn
xã hội, ngày lễ của công chúng, nhưng trước hết ngày Chúa nhật như là “ngày của
Chúa”, nghĩa là như ngày cộng đoàn tụ họp để cử hành Thánh Lễ, là điểm xuất
phát và quy hướng (nguồn mạch và đỉnh cao) của toàn bộ đời sống Kitô hữu, hiệp
nhất trong thời gian và không gian..
Vì thế, thánh
hoá ngày Chúa nhật là đỉnh cao của việc cầu ngyện của gia đình. Cả một tuần
lễ, ta bận rộn với công ăn việc làm, với việc học hành, với những lo toan trong
cuộc sống. Cuối tuần ta cùng với gia đình và cộng đoàn Dân Chúa đến Nhà thờ để
được nghỉ ngơi bên Chúa, để được bổ dưỡng, tăng sức bằng Lời Chúa và Thánh Thể,
để cùng nâng đỡ đức tin cho nhau, giúp nhau thăng tiến cuộc sống.
Hiệp dâng thánh lễ Chúa nhật để tưởng niệm Chúa Kitô Phục sinh, cảm tạ vì cho ta được
làm con Chúa trong lòng Giáo Hội; tạ ơn Chúa vì muôn vàn ân huệ Ngài đã trao
ban cho gia đình trong suốt tuần qua. Cùng với tâm tình tạ ơn, gia đình cầu xin
Chúa thứ tha mội lỗi lầm thiếu sót trong bổn phận thường ngày đối với Chúa và
với nhau trong thời gian qua. Để qua tâm tình sám hối chân thành đó, gia đình
dâng lên Chúa những quyết tâm đổi mới cuộc sống, xin Chúa tiếp tục nâng đỡ,
đồng hành với gia đình, với công việc, với dự tính của mỗi thành viên gia đình
trong tương lai, nhất là trong tuần mới đang tới.
Khi hiệp dâng
thánh lễ Chúa nhật tích cực, ý thức, đầy đủ, gia đình chúng ta cùng minh chứng
sự hiệp thông: gắn bó, trung thành với Chúa Kitô, với Giáo Hội; cùng làm chứng
cho sự thánh thiện của Thiên Chúa, cho niềm hy vọng vào Ơn cứu độ; cùng nâng đỡ
nhau, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Khi tham dự thánh lễ ta được
hiệp thông với anh chị em tín hữu và tất cả cùng nhau tuyên xưng niềm tin, cùng
hiệp thông với Thiên Chúa.
Ngày nay, cuộc sống văn minh tiến bộ, con
người suốt ngày bận rộn, quay cuồng với những sinh hoạt: làm việc, học hành,
giải trí… Đặc biệt là ngày nghỉ cuối tuần với nhiều chương trình giải trí làm
cho con người không còn thì giờ cho những sinh hoạt tôn giáo nữa. Thực trạng xã
hội đo cho thấy người ta quá bận rộn đến nỗi các bậc cha mẹ không còn thời gian
dành cho con cái. Một xã hội có vẻ như giàu có không thiếu gì cả nhưng lại
thiếu thời gian. Đôi khi mải mê với công việc, người ta tiếc với con cái từng
phút, để rồi sau đó xảy ra những chuyện đáng tiếc. Nhiều cha mẹ hôm nay sống
trong khổ đau, trong gia đình tan nát vì sự vô tâm, hờ hững, ngang bướng của
con cái, chỉ biết sống cho riêng mình, coi gia đình như quán trọ.
Trước thực trạng
đó, chúng ta được mời gọi khôi phục ý nghĩa ngày Chúa nhật, ngày nghỉ lễ như
thời gian dành cho con người, đúng hơn là thời gian dành cho gia đình của mình,
cộng đoàn của mình. Gia đình cần phải sống ý nghĩa của ngày nghỉ lễ, làm sao để
sống mà không chỉ như chạy theo sự mưu sinh nhưng là cuộc gặp gỡ: gặp gỡ Thiên
Chúa, gặp gỡ tha nhân. Đó chính là trọng tâm của ngày nghỉ lễ, trọng tâm của
việc thánh hoá ngày của Chúa. Để làm được điều đó, cha mẹ và các thành viên trong
gia đình cần có nhiều sáng kiến để tạo bầu khí trong ngày nghỉ cuối tuần, cần
giảm những công việc nhà trong ngày nghỉ, chia sẻ bớt gánh nặng công việc cho nhau
trong ngày nghỉ; cần tập thói quen cho các thành viên trong gia đình biết quý
trọng ngày Chúa nhật là “ngày thánh thiêng” dành cho Thiên Chúa và những người
thân yêu trong gia đình.
Để kết thúc tâm tình chia sẻ, người viết xin trích lại
lời nhắc nhở và gọi mời của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã ngỏ với các bậc làm cha,
được thánh Cha Gioan Phaolô II trân trọng nhắc lại trong Tông huấn Gia đình
rằng:
“Hỡi các bà mẹ,
chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không?
Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các bí tích
xưng tội, rước lễ, thêm sức hay không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho
chúng quen nghĩ tới những sự đau khổ của Đức Kitô, quen cầu xin Đức Mẹ Đồng
Trinh và các thánh giúp đỡ hay không? Còn anh em, hỡi những người cha, anh em
có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh
thoảng không? Gương sống của anh em qua sự ngay thẳng trong tư tưởng và hành
động, được hỗ trợ bằng kinh nguyện chung, quả là một bài học sống, một hành vi
thờ phượng đáng tuyên dương. Như thế, anh em đang đem bình an vào trong tổ ấm
gia đình anh em: “Bình an cho nhà này”. Đừng quên rằng, làm như thế là anh em
đang xây dựng Hội thánh.
Quả thế, gia đình Kitô hữu là nơi thể hiện đặc biệt
chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia
đình, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ kinh nguyện, tạ ơn và chứng từ đời sống
thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Là người Kitô hữu sống trong gia đình
Công giáo, chúng ta được mời gọi Phúc Âm hoá gia đình mình bằng việc chu toàn
bổn phận, xây dựng gia đình thành cộng đoàn cầu nguyện, qua việc duy trì giờ
kinh chung, đưa Lời Chúa vào đời sống thường ngày, khích lệ nhau lãnh nhận các
bí tích, cùng nhau thánh hoá ngày Chúa nhật. Thực thi được những điều trên,
chắc chắn gia đình chúng ta sẽ được an vui và hạnh phúc, như người xưa vẫn nói:
“Gia đình cầu kinh, gia đình bình yên, gia đình hạnh phúc”, bởi vì cầu nguyện
chính là hơi thở của gia đình.
Pet. Võ Tá Đương, OP
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét