1.
Trong các Hội Dòng tận hiến mà phần lớn là linh mục, thì không thiếu
những “Tu huynh” là thành viên của Hội Dòng với đầy đủ danh nghĩa, dù
những người này không nhận Chức Thánh. Tư cách của họ được diễn tả qua
danh xưng là “trợ sĩ” (cooperatori: cộng sự viên), hoặc với những từ khác tương tự. Trong các Dòng hành khất cổ truyền, họ được gọi là các “anh em giáo dân” (fratelli laici). Trong thuật ngữ này, từ “anh em” có nghĩa là “tu sĩ”, và “giáo dân” muốn xác định là “không có chức linh mục”. Nếu biết rằng ở vài Dòng Tu xưa hơn nữa, các tu sĩ đó được gọi là các “quy sĩ” (conversi), thì ta dễ nắm bắt lịch sử ơn gọi của phần đông các trường hợp, nghĩa là vào lúc ban đầu, họ quay “trở lại” (conversio), chọn lựa dâng mình cho Thiên Chúa qua việc phục vụ các “anh em linh mục” (frati sacerdoti) sau khi trải qua những năm sống trong các nghề nghiệp khác nhau ở giữa đời : hành chánh, dân chính, quân sự, thương mại Y
Dù
sao đi nữa, những lời của Công Đồng Vaticanô II thật là rõ ràng : “Đời
sống các tu tu sĩ giáo dân Y tạo nên một bậc sống trọn vẹn của việc khấn
giữ các lời khuyên Phúc Âm” (DT 10). Sự thánh hiến riêng của bậc thánh
hiến không đòi hỏi sự dấn thân vào tác vụ linh mục, và vì thế, dù khi
không có chức linh mục, một tu sĩ vẫn có thể sống trọn vẹn sự thánh hiến
của mình.
2.
Nếu nhìn vào sự tiến triển lịch sử của đời thánh hiến trong Giáo Hội,
chúng ta thấy một sự kiện rất có ý nghĩa : các thành viên trong những
cộng đoàn tu trì tiên khởi đều gọi nhau là “anh em”, và phần đông không
nhận chức linh mục, bởi vì họ không có ơn gọi vào thừa tác vụ. Một linh
mục có thể gia nhập cộng đoàn nhưng không có quyền đòi hỏi những đặc ân
do Chức Thánh. Khi thiếu linh mục, một trong số “anh em” được truyền
chức để thi hành tác vụ bí tích cho cộng đoàn. Trải qua các thế kỷ, tỉ
lệ các đan sĩ làm linh mục hay phó tế tăng lên so với những người không
linh mục. Dần dần nảy ra sự phân chia giữa các thành viên giáo sĩ và các
“anh em giáo dân” hay “quy sĩ”. Lý tưởng sống đời thánh hiến mà không
có chức linh mục vẫn còn sống động nơi thánh Phanxicô Assisi. Chính bản
thân ngài không cảm thấy ơn gọi làm linh mục, dù sau đó đã nhận lãnh
chức phó tế. Thánh Phanxicô có thể được coi như một ví dụ về sự thánh
thiện trong đời sống tu trì “giáo dân”, và với chứng từ của mình, ngài
cho thấy sự hoàn hảo mà lối sống này có thể đạt tới.
3.
Đời sống tu trì giáo dân không ngừng nở rộ theo dòng thời gian. Cả
trong thời đại chúng ta, nó còn được duy trì và được thể hiện qua hai
hướng phát triển. Một mặt chúng ta có một số anh em giáo dân (trợ sĩ)
được đón nhận vào nhiều Hội Dòng giáo sĩ. Công Đồng Vaticanô II đã nhắn
nhủ như sau : “để tình huynh đệ giữa các tu sĩ được mật thiết hơn, hãy
để những người thường được gọi là “trợ sĩ” hay bằng những tên tương tự,
được liên kết chặt chẽ với cuộc sống và hoạt động của cộng đoàn” (DT
15).
Mặt khác, có những Hội Dòng giáo dân,
được thẩm quyền của Giáo Hội nhìn nhận như vậy. Do bản tính, đặc trưng
và mục đích, các hội dòng này có một chức năng riêng biệt, do vị sáng
lập hay một truyền thống hợp pháp xác định, không bao hàm việc thi hành
Chức Thánh[1]. Những “Hội Dòng tu huynh”
(như người ta thường gọi), thi hành một chức năng riêng biệt, bao hàm
một giá trị và một sự hữu ích đặc thù trong cuộc sống của Giáo Hội.
4.
Công Đồng nghĩ đến các Hội Dòng giáo dân này cách riêng khi bày tỏ sự
trân trọng đối với bậc sống của các tu sĩ giáo dân : “Thánh Công Đồng
quý trọng bậc sống rất hữu ích này, ích lợi cho sứ mệnh phục vụ của Giáo
Hội trong lãnh vực giáo dục thanh thiếu niên, chăm sóc bệnh nhân và chu
toàn những nhiệm vụ khác. Thánh Công Đồng củng cố các tu sĩ ấy trong ơn
gọi của họ, và khuyến khích họ thích nghi cuộc sống với những đòi hỏi
hiện tại” (DT 10). Lịch sử gần đây của Giáo Hội xác nhận vai trò quan
trọng mà các tu sĩ của các Hội Dòng này đảm nhận, nhất là trong việc dạy
dỗ và làm việc bác ái. Có thể nói rằng trong nhiều nơi, chính họ đã
truyền đạt cho những người trẻ nền giáo dục Kitô giáo, xây dựng trường
học đủ loại đủ cấp. Chính họ cũng thiết lập và quản lý các trung tâm trợ
giúp bệnh nhân và những người khuyết tật về thể lý và tâm lý, chu cấp
cho họ những cơ sở và những trang thiết bị cần thiết. Vì thế chứng từ về
đức tin Kitô giáo, về sự tận tuỵ và hy sinh của họ đáng được ngưỡng mộ
và ca ngợi. Ước mong rằng sự giúp đỡ của các ân nhân, như trong truyền
thống tốt đẹp của Kitô giáo, và những sự trợ cấp được định liệu trong
pháp chế xã hội hiện đại, sẽ cho phép họ luôn quan tâm đến những người
nghèo nhiều hơn nữa.
Sự “khâm phục”
mà Công Đồng khẳng định cho thấy rằng thẩm quyền Giáo Hội đánh giá cao
sự cống hiến của những “tu huynh” cho xã hội Kitô giáo qua nhiều thế kỷ,
và sự cộng tác của họ vào việc loan báo Tin Mừng, chăm sóc mục vụ và xã
hội cho các dân tộc. Ngày nay hơn bao giờ hết, có thể và phải nhận biết
vai trò lịch sử và chức năng Giáo Hội của họ như những nhân chứng và
thừa tác viên của Vương quốc Đức Kitô.
5.
Công Đồng quy định rằng các Hội Dòng tu huynh có thể hưởng ơn ích của
thừa tác mục vụ cần thiết cho sự thăng tiến đời tu của mình. Đó là ý
nghĩa của lời tuyên bố mà Công Đồng muốn giải quyết một vấn đề đã nhiều
lần gây tranh luận bên trong và bên ngoài các Hội Dòng này : “Không có
gì trở ngại nếu trong các hội dòng tu huynh tuy vẫn giữ đặc tính là giáo
dân, một vài tu sĩ lãnh nhận Chức Thánh để đáp ứng những nhu cầu cần
đến chức vụ linh mục trong nhà mình, tuỳ Tổng Tu Nghị quyết định” (DT
10). Đây cũng là cơ hội để lượng định tùy theo sự cần thiết của mỗi thời
và mỗi nơi, nhưng cũng phù hợp với truyền thống xưa kia của các Dòng
đan tu, nhờ đó có thể phát triển hội dòng. Công Đồng nhìn nhận sự khả
thi, và nói rõ rằng không có gì ngăn trở để thực hiện : nhưng công đồng
dành cho cơ quan điều hành tối cao của các Hội Dòng đó – Tổng Công Nghị –
tuyên bố, chứ không đưa ra một khuyến khích minh nhiên về vấn đề này,
chính bởi vì công đồng quan tâm đến việc duy trì các Hội Dòng tu huynh
theo đường hướng ơn gọi và sứ vụ của họ.
6. Tôi không thể kết thúc đề tài này mà không nhấn mạnh đến linh đạo phong phú được gói ghém đàng sau từ “tu huynh” (anh em). Các tu sĩ này được gọi là anh em của Đức Kitô, kết hợp sâu xa với Người, “Trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29) ; họ là anh em với nhau, trong tình yêu hỗ tương và trong sự cộng tác vào chính thiện ích của Giáo Hội ; họ là anh em của mỗi người,
trong chứng từ cho tình yêu Đức Kitô với hết mọi người, nhất là đối với
những kẻ bé mọn nhất, những người cần giúp đỡ nhất ; họ là anh em cho
một tình huynh đệ bao la trong Giáo Hội.
Tiếc
rằng, trong thời gần đây, ở một vài nước người ta nhận thấy giảm sút số
ơn gọi tu huynh, dù là trong các Dòng giáo sĩ hoặc trong các Dòng giáo
dân. Cần phải tăng gia nỗ lực để lấy lại những ơn gọi quan trọng và cao
quý như vậy : một nỗ lực cổ vũ ơn gọi cùng với sự cố gắng mới trong cầu
nguyện. Khả năng của đời sống thánh hiến “giáo dân” phải được trình bày
như con đường của sự hoàn hảo tu trì đích thực, cả trong các Hội dòng
nam cũ và mới.
Đồng
thời cũng là điều rất quan trọng để các anh em “giáo dân” thuộc các
Dòng giáo sĩ có một vai trò thích hợp, đó là cộng tác cách tích cực vào
đời sống và hoạt động tông đồ của Hội Dòng. Rồi phải khuyến khích các
Hội Dòng giáo dân kiên trì trong cuộc sống ơn gọi của họ, thích nghi vào
sự phát triển của xã hội, nhưng vẫn luôn gìn giữ và đào sâu tinh thần
dâng hiến tất cả cho Đức Kitô và cho Giáo Hội, được diễn tả trong đặc
sủng chuyên biệt của họ. Xin Chúa ban cho con số các Tu huynh luôn mãi
gia tăng, để họ có thể làm cho sự thánh thiện và sứ mạng của Giáo Hội
trở nên phong phú.
Sr. Maria Đinh Thị Sáng chuyển ngữ từ nguyên bản Tiếng Ý.
Trích từ Theo Chúa Kitô II, Học viện Đa Minh, 2006
Bài 16 trong loạt 19 bài Huấn giáo về Đời sống Thánh hiến của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
(nguồn: https://daminhtamhiep.net)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét