Mấy ngày này, trên các trang mạng, người ta râm ran tố cáo cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích và tán thưởng, thậm chí phong thánh cho cha Vinh-sơn Phạm Trung Thành hay cha Matthêu Vũ Khởi Phụng. Bên cạnh đó có những bài viết hay những câu hỏi đòi buộc cha tân Giám tỉnh phải tiếp tục con đường cũ hoặc là dấn thân vào con đường chính trị. Với nội dung bài viết này, xin đưa ra quan điểm cá nhân của một người Công Giáo, xin không đề cập đến chuyện nội bộ của nhà dòng Chúa Cứu Thế cũng như quan điểm chính trị.
Với quan điểm cá nhân và của Giáo hội Công giáo: tu sĩ linh mục không tham gia và không làm chính trị. Việc này đã có các tín hữu tham gia. Những Kitô hữu giáo dân này tham gia trực tiếp vào chính trị nhưng được Giáo hội mời gọi hãy đem những giá trị Tin mừng và tình yêu thương để biến đổi xã hội thành nơi đáng yêu và đáng sống hơn. Người tu sĩ linh mục chỉ nên và luôn là người cố vấn tâm linh để đưa những giá trị Tin Mừng hơn là đi theo một khuynh hướng chính trị nào đó.
Kế đến, việc tham gia các hoạt động xã hội của người Công giáo không giới hạn cho bất kể ai. Tất cả những người nghèo và những ai cần giúp đỡ đều là đối tượng của Giáo hội. Giáo hội luôn nghèo và luôn là của người nghèo. Có thể nhiều người lên án khi cho rằng nhiều nhà thờ, nhà dòng hoặc giáo hội quá giàu. Sự thực, cái nghèo ở đây là tinh thần nghèo khó. Giáo hội và mỗi Kitô hữu, cách riêng tu sĩ linh mục phải luôn thấy mình nghèo Chân lý và tình thương để không ngừng tìm kiếm và trau dồi cho dày thêm mỗi ngày. Hành động này không dành riêng cho mình nhưng lan tỏa đến người khác, cách hữu hình dễ nhận thấy là qua những việc thiện nguyện và bảo vệ người nghèo.
Những việc thiện nguyện là cần thiết nhưng người Kitô hữu nói chung và cách riêng các dòng tu và Giáo hội không bao giờ đứng dưới bất cứ một phe phái và ngọn cờ chính trị nào. Việc làm của Giáo hội là thăng tiến và đề cao phẩm giá con người. Vì vậy, Giáo hội sẽ không nhân danh điều thiện để cỗ võ cho một tổ chức chính trị hay đảng phải nào. Điều này chứng thực qua hoạt động của mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ là nhà hoạt động xã hội lừng danh không theo bất kể thể chế và quan điểm chính trị nào. Mẹ hoạt động vì đức tin Kitô và đức ái Kitô giáo. Đó cũng là điều khiến cộng đoàn của mẹ lớn mạnh và lan tỏa tới mọi lãnh thổ và quốc gia, ngay cả Trung Quốc hay Nga cũng đều muốn có sự hiện diện của những người chị em này. Đó mới là con đường của Giáo Hội.
Con đường của Giáo hội không phải con đường của chính trị nhưng là con đường Chân Lý. Nơi đó, Giáo hội lên tiếng chống lại bất công và bảo vệ người nghèo. Lên tiếng bảo vệ sự thật nhưng không phải theo quan điểm chính trị. Giáo hội không chống các hệ thống chính trị và chủ nghĩa nào đó nhưng chống cái xấu nơi các thể chế đó. Tuy nhiên, giáo hội luôn đặt mình ra ngoài vòng chính trị vì nhận thức vai trò cố vấn luân lý của mình. Giáo hội, trong đó linh mục tu sĩ là những nhà dẫn đạo tâm linh để đem lại cho thế giới này những giá trị thực hơn là đấu tranh để đổi lấy những điều chóng qua. Song, sự thật thì luôn đau lòng và khiến chúng ta phải lội ngược dòng. Không có cú lội ngược dòng nào không cực nhọc và đau đớn.
Viết tới đây tôi nhớ tới câu nói của đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài nói: những người cộng sản là anh chị em tôi. Với câu nói này, nhiều người đã chụp mũ ngài là hồng y đỏ. Nhưng ai đâu biết rằng, ngài muốn chống những cái xấu của chủ nghĩa ấy nhưng vẫn chân quý con người cộng sản đơn giản vì họ là con người. Ngài cũng như Giáo hội chống và loại trừ cái xấu chứ không loại bỏ con người. Con đường của Giáo hội bước đi là con đường của Chúa Kitô. Còn đường để cứu lấy những gì đã mất chứ không phải hủy hoại. Chính vì thế, Giáo hội và những Kitô hữu chính danh thì luôn là một Chúa Kitô khác mỗi ngày đang bị thế gian đóng đinh và treo lên cây gỗ giá!
Ước mong những thay đổi của dòng Chúa Cứu Thế càng làm cho việc bảo vệ người nghèo đi sát hơn với những giá trị Tin Mừng. Ước mong mỗi Kitô hữu cũng ý thức được điều đó khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Ước mong ai đó gia nhập Kitô giáo không chỉ đơn thuần vì mục đích chính trị nhưng vì đức bác ái Kitô giáo. Ước mong những ai hỗ trợ các hoạt động bác ái của giáo hội đừng gây thêm áp lực buộc giáo hội phải đứng dưới ngọn cờ nào đó vì đó không phải là con đường của Giáo Hội! Giáo hội chỉ đứng dưới ngọn cờ duy nhất, ngọn cờ của Chúa Kitô phục sinh.
Sài Gòn, 20/4/2015
Phạm Thanh Cao, O.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét