Từ lâu, trong số các dân tộc Việt Nam, người Kinh vẫn được gọi là người thông minh nhất. Thông minh nhất có phải là văn minh nhất?
|
Hình Internet |
Đơn cử trong các chuyện từ thiện đoàn chúng tôi tiến hành, thái độ chen lấn, kể cả của những chị em người kinh không khác gì không khí lễ hội đền Gióng. Trong lễ hội đền Gióng, người ta chụp giật cho bằng được hoa tre, thì ở đây, người ta tranh cãi ì xèo cho được khám trước khám sau.
Thái độ này chưa từng thấy nơi anh chị em các dân tộc thiểu số. Ai đến trước khám trước. Thấy người già họ nhường ngay. Thái độ nhường nhịn của họ hết sức vui vẻ không có gì miễn cưỡng. Dường như đó là điều tự nhiên đối với họ. Tất cả mọi thứ theo tuần tự. Không ì xèo cãi cọ. Thậm chí có người chờ khám bệnh từ sáng tới tận trưa vẫn cứ vui cười, dẫu rằng nhịn ăn đi từ 4g sáng đến tận 11g trưa.
Họ đi xa, đi rất xa. Đi bộ khoảng 6km đến từ sớm nhưng lại sẵn sàng nhường cho người già và trẻ nhỏ. Tới lượt những người ở gần cũng lịch sự không kém, họ nhường cho người ở xa. Dường như trên môi miệng luôn là: nó ở xa lắm, cho nó khám trước để còn về, nó nhịn ăn từ sáng tới giờ.
Thật vậy, trong lúc chúng tôi đang khám bệnh thì có chị tay cứ run bần bật. Hỏi tại sao thì được biết: "Tôi nhịn ăn từ sáng tới giờ nên đói."
May thay trong túi có cái kẹo, hộp sữa và chị đã vượt qua. Nhưng thật lạ, chị cứ vui cười khi được hỏi tại sao không xin khám trước:
"Thì tới lượt mới khám chớ. Không tranh giành được. Giàng dạy thế, chúng ta phải biết nhường nhịn nhau chớ. Ai cũng tranh giành thì các chú, các chị khổ thôi. Chúng tôi đâu làm thế được."
Đó là câu trả lời của một chị cũng luống tuổi. Dù biết nói tiếng Kinh nhưng chị không biết đọc và biết viết. Song, cách chị trả lời thật hồn nhiên và ý nhị biết bao. Giàng của chị đã dạy cho chị và chị đã sống điều Giàng dạy. Tôn giáo đã thấm vào máu thịt của chị và những người nơi đây. Ở đây, phải nói là sống tốt đạo đẹp đời. Đạo đã đi vào đời một cách tự nhiên và khiến người ta cư xử với nhau đầy tình người khác hẳn với thế giới người Kinh.
Ở nơi kia, người Kinh đi nhà thờ, nhà chùa thật nhiều nhưng vẫn còn đó sự xô bồ tranh giành. Có thể họ văn minh về mặt tri thức nhưng có lẽ văn minh tình thương của họ thấp hơn các anh em dân tộc thiểu số rất nhiều. Đặc biệt là những anh em theo Kitô giáo. Nơi đó, anh chị em sống hết mình với lời dạy của Giàng và chỉ Giàng mà thôi.
Thật khác lạ với anh chị em người Kinh, nhất là thành thị, nơi tôn giáo đang bị tục hóa và tha hóa rất nhiều. Tôn giáo lý ra phải đi vào đời và làm cho nó trở nên thân thương và đáng sống hơn chứ đâu phải đời đi vào đạo và cải đạo thành đời.
Sài Gòn 28/3/2015
Phạm Thanh Cao, O.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét