Đã mấy ngày trôi qua, trận động đất tại Nepal gây thương vong rất lớn. Đứng trước thảm họa này, mỗi người mỗi nhận định. Một số anh chị em Phật Giáo cho là nghiệp báo của việc mỗi năm tế thần vài ngàn con trâu con bò tại đây. Tôi đem chuyện này hỏi các anh chị em trong lớp dự tòng: anh chị nhận định thế nào về sự kiện này? Đặc biệt, sau khi tìm hiểu đức tin Công giáo, anh chị em nhận định thế nào?
Tưởng cũng nên nhắc lại, trận động đất xảy ra tại Nepal ngày 25/4/2015. Tính đến hôm nay, 28/4/2015, số nạn nhân tử vong đã lên đến hơn 4.000, hơn 7.000 người bị thương. Tổn thất rất lớn về kinh tế và tinh thần không thể nào một mình Nepal có thể gượng dậy.
|
Vệt màu đen giữa ảnh là mái tóc của một bé gái 10 tuổi, phần thân bị chôn lắp dưới đống đổ nát của căn nhà. Người mẹ ngồi, khóc và bất lực, không dám nhìn xác con! Ảnh: EPA - nguồn fb Giangkien Phuong |
Đứng trước con số thương vong và nỗi đau ấy, ý kiến các bạn như sau:
- Đó là những rung chuyển trong lòng đất, đơn giản là do địa chấn nơi đó
- Đó là thiên tai và chúng ta phải cầu nguyện cho họ
- Đó vừa là thiên tai vừa là nhân tai do con người khai thác thiên nhiên một cách quá mức
- Đó là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta, phải sống sao cho đúng và phải sống hài hòa với thiên nhiên
- Một tín đồ thuần thành đã quy y nay học giáo lý để theo chồng nhận định: Đây không phải là quả báo hay nghiệp báo. Bởi nếu đây là nghiệp báo thì biết bao người không gây ra lỗi lầm sao vẫn phải gánh chịu. Chúng ta cũng không đổ lỗi cho kiếp trước vì như thế chúng ta không có trách nhiệm với hiện tại. Và như thế, chúng ta đơn giản chỉ nhìn thấy sự sợ hãi.
Mỗi người một quan điểm và phần lớn dừng lại ở mức đột thương vong, chia sẻ nỗi đau cũng như đi tìm nguyên nhân của thảm trạng tại Nepal. Vậy, chúng ta, những người Công Giáo, chúng ta nghĩ gì?
1. Những người này tội lỗi hơn chúng ta?
Khi sự kiện xảy ra, trên mạng, một số bạn cho là những người này tội lỗi quá nặng sinh ra nghiệp lớn nên nhận quả báo là trận động đất kinh hoàng này. Tuy nhiên, với đức tin Công Giáo, không phải họ là những người dân tội lỗi bị đày đọa bởi nghèo đói và thiên tai nhưng là lời mời gọi nhằm cảnh tỉnh chúng ta hãy sám hối. Sám hối để được ơn cứu độ như Đức Giêsu đã nói về thảm họa Si-lô-ác:
1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Lc 13, 1-5)
2 . Chúng ta là ai?
Đâu phải chỉ chuyện động đất tại Nepal. Vẫn còn đó những đau thương của trận sóng thần tại Bali - Inđônêsia và tại Nhật Bản chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Chắc chắn với đức tin Công Giáo, không ai dám kết án họ nhưng đó là lời mời gọi sám hối và ý thức về thân phận của mình.
Con người dường như trở nên tầm thường và đôi khi vô dụng trước sức mạnh của thiên nhiên,dù khoa học đã phát triển vượt bậc. Khoa học tiến bộ chỉ hạn chế bớt những thiệt hại chứ không hẳn loại bỏ được nỗi cánh cánh trong lòng con người về sự bất toàn và hữu hạn của mình.
Sự bất toàn và hữu hạn giúp con người nhận ra mình là ai trước Đấng Hóa Công. Đấng đã yêu thương và đặt để chúng ta vào trong đó để làm chủ, bảo tồn cũng như làm cho nó ngày một thiện toàn hơn. Chúng ta đơn giản chỉ là tuyệt tác của Đấng Toàn Năng. Chúng ta sống và hiện hữu là nhờ Người, với Người và trong Người. Không những thế, trong cõi nhân sinh này, chúng ta sống và hiện hữu còn là với nhau, cho nhau, vì nhau và cùng nhau. Đó là sức mạnh của chúng ta.
3. Sức mạnh của chúng ta
Trước thiên nhiên, chúng ta vô cùng bé nhỏ nhưng chúng ta là những sinh vật thần linh giàu tương quan. Chúng ta có sức mạnh. Sức mạnh của tình thương.
Trận động đất lớn đã xảy ra, nhiều nước đã cùng vào cuộc để khắc phục những hậu quả do thiên tai. Nhiều cá nhân tổ chức không ngừng quên góp hỗ trợ cũng như tìm kiếm và chia sớt nỗi đau của người dân Nepal. Sự chia sẻ lớn nhất là cho con người nơi đây niềm hy vọng. Hy vọng được sống. Hy vọng được yêu thương. Đó là sức mạnh để phục hồi đất nước và con người nơi đây! Sức mạnh của tình yêu.
Sức mạnh của tình yêu chính là lời mời gọi lớn nhất đàng sau những gì coi là thảm họa. Thảm họa đáng sợ nhưng đáng sợ hơn là con người trở nên dửng dưng và không còn biết yêu thương nhau. Bởi lẽ đó, thảm họa thiên nhiên hay bất kể thảm họa nào đều đánh động và đòi hỏi chúng ta phải sám hối và thay đổi. Thay đổi để yêu thương nhau mỗi ngày một hơn. Đó chính là chân lý của Kitô giáo, chân lý của TÌNH YÊU!
Tình yêu đem đến cho ta niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Tình yêu cho ta vững bước trên đường đời dẫu còn đó muôn vàn hiểm nguy. Dẫu rằng, ta đang mải dệt đời mình bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ (Is 38,12) nhưng ta tin rằng sẽ đến đích của tình yêu. Mọi chuyển xảy ra trong cuộc đời đều có lý do của nó. Lý do lớn nhất là để chúng ta biết yêu thương và nương tựa vào nhau. Đó mới là con người.
Xin cho mỗi người và mỗi dân nước biết mở lòng ra để vực dậy Nepal và nhiều Nepal nữa của thế giới này. Xin cho chúng ta có được khoảng lặng để mỗi ngày thêm nữa nói lời yêu thương. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho thế giới của chúng ta!
Sài Gòn 28/4/2015
Phạm Thanh Cao, O.P
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét