Nhân dịp kỷ niệm 50
năm thánh Martinô được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, Dòng Anh Em Thuyết
giáo đã tổ chức Đại hội anh em Trợ sĩ, những người theo bước thánh
Đaminh trong ơn gọi Trợ sĩ, ơn gọi mà thánh Martinô đã chọn sống và đã
nên thánh. Đây là dịp đặc biệt
để anh em gặp gỡ nhau, chia sẻ cho nhau về tình hình ơn gọi, về sứ vụ
của anh em trong hoàn cảnh xã hội khác nhau. Và đặc biệt hơn nữa, đây là
dịp anh em được “diện đối diện” với thánh Martinô, người đã sống trọn
vẹn ơn gọi Trợ sĩ trong dòng Thuyết Giáo. Tỉnh Dòng Đaminh
Việt Nam cũng đã cử anh em tới tham dự Đại hội này. Anh em đã không bỏ
lỡ cơ hội ghi lại những tấm hình, những “thước” phim để giới thiệu với
cộng đoàn.
Thánh Martinô sinh
ra và lớn lên tại thành phố Lima, thủ đô nước Pêru. Từ nơi thánh nhân
sinh ra và sống những năm tháng đầu đời tới tu viện thánh nhân sống,
phục vụ và qua đời chỉ khoảng hơn một cây số. Đó là tu viện Thánh
Đaminh, nơi Tỉnh Dòng Đaminh Pêru đặt làm trụ sở. Và nơi đây cũng lưu
giữ một số kỷ vật của thánh nhân. + Hầm mộ:
Thi hài thánh nhân được chôn cất tại một hầm mộ ở trong tu viện. Thường
ngày nơi đây cũng đón nhiều khách hành hương viếng thăm và cầu nguyện
với thánh nhân. + Phần đầu:
Thánh nhân rất được dân thành Lima cũng như nhiều vùng miền khác sùng
kính. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tới viếng và cầu nguyện nơi
hầm mộ trong tu viện, cho nên để đáp ứng nhu cầu tâm linh này, phần đầu
của thánh nhân thường “chu du” khắp chốn trong kinh thành Lima và nhiều
vùng miền khác, nhất là những nơi có anh chị em Đaminh sinh sống. Xương
đầu thánh nhân được đặt trong một hòm bằng đồng rất đẹp. Giữa hòm được
thiết kế bằng mica trong để mọi người có thể “diện đối diện”. Trong giờ kinh chiều
ngày 02.11.2012, anh em Đaminh Pêru và các nghị huynh tham dự Đại hội
đã quây quần bên thi hài thánh Gioan Maisan và thánh Martin để đọc kinh
chiều. Sau đó, từng người quỳ trước Thánh tích hai đấng để cầu nguyện. + Chứng nhận rửa tội: Giấy chứng nhận rửa tội của thánh Martin (bản chính) hiện được lưu trữ tại văn khố Tổng Giáo phận Lima. + Chữ ký thánh Martinô: Chữ ký của thánh nhân hiện được lưu trữ tại Phòng lưu trữ quốc gia Pêru. Nước Pêru coi đây là tài sản quốc gia. + Những kỷ vật dịp phong chân phước và phong thánh:
Hiện phòng triển lãm Những di tích của thánh Martin ô tại tu viện
Đaminh – Lima còn lưu trữ được bức chướng ngày phong chân phước năm 1822
và Sắc phong hiển thánh năm 1962 do Đức Giáo hoàng Gioan XXIII ký và
một số tấm hình ngày phong Hiển thánh. + Những kỷ vật gần gũi:
Trước tiên, chúng ta phải kể đến chiếc giường thân thương mà thánh nhân
đã từng nằm và đã từng nhường cho bệnh nhân nằm. Chiếc giường đơn sơ,
cũ kỹ nhưng lại rất có giá trị. Phòng cũng có trưng bày “tủ thuốc” của
thánh Martinô và một chiếc cối dùng để tán thuốc. + Thập giá thánh Martinô:
Cây thánh giá mà thánh nhân dùng để suy tư, cầu nguyện hiện được lưu
giữ tại hành lang tu viện (cạnh cầu thang lên khu vực các Tu sĩ tu viện
Đaminh cầu nguyện hằng ngày). + Hình ảnh ngày Đại lễ 03.11.2012:
Thánh lễ trọng thể mừng 50 năm thánh Martinô được tôn phong Hiển Thánh
do cha Tổng Quyền Dòng Đaminh, Bruno Cadore chủ sự. Thánh lễ diễn ra rất
trang trọng với sự hiện diện của phần lớn các tu sĩ Đaminh trong Tỉnh
dòng Pêru và các nghị huynh đến từ khắp nơi trên thế giới. Cộng đoàn
tham dự cũng rất đông. Vương cung Thánh Đường Rất Thánh Mân Côi dường
như không còn chỗ trống. Trong thánh lễ đặc
biệt này, chúng ta còn thấy các ông trong Hội Martinô, một hội đoàn nhận
thánh nhân làm Bổn mạng. Có khoảng vài trăm hội viên trang phục chỉnh
tề đứng (đứng suốt buổi lễ) làm hàng rào giúp cho thánh lễ thêm phần
trang nghiêm. Mời cộng đoàn xem trích đoạn video đoàn rước sau Thánh Lễ
Sau thánh lễ là tiệc
mừng. Các thành phần trong gia đình Đaminh tại Lima, các nghị huynh và
một số khách mời tham dự bữa tiệc buffet vui vẻ, thân thiện. Trong bữa
tiệc, những người lần đầu tiên gặp mặt tiến đến làm quen với nhau. Riêng
anh em Việt Nam có vẻ được ưu ái hơn, nhất là những người trước đây
từng là học trò, là thành viên trong nhóm nào đó của Đức Cha Phaolô
Nguyễn Thái Hợp, OP… Trong tiệc có bắn pháo hoa và “văn nghệ bỏ túi” ….
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét